QUẢN TRỊ CÔNG

Đan Mạch thúc đẩy quản trị nhà nước ở Việt Nam thông qua một số chương trình mục tiêu, đó là  hỗ trợ cải cách hành chính (CCHC), cải cách luật pháp và tư pháp, cũng như nâng cao hiểu biết và năng lực về quyền con người và đấu tranh chống tham nhũng.

Chương trình Quản trị Nhà nước và Cải cách Hành chính

Chương trình Quản trị Nhà nước và Cải cách Hành chính giai đoạn 1 (gọi tắt là GOPA I) do Đan Mạch hỗ trợ với ngân sách là 70 triệu Kuron Đan Mạch đã được triển khai từ năm 2008 đến tháng 3 năm 2012. GOPA I bao gồm: (i) Hợp phần cải cách hành chính (CCHC) hỗ trợ thực hiện các sáng kiến CCHC tại 5 tỉnh vùng xa– Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk và Đắk Nông; (ii) Hợp phần Quyền con người và Giáo dục hỗ trợ nâng cao năng lực của Quốc hội cũng như công tác giảng dạy và nghiên cứu về quyền con người tại Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Việt Nam và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Dựa trên những kết quả đạt được cũng như những bài học rút ra trong quá trình thực hiện giai đoạn 1 (GOPA I), giai đoạn 2 của Chương trình Quản trị Nhà nước và Cải cách Hành chính (gọi tắt là GOPA II) đã được tiếp tục triển khai từ tháng 4 năm 2012. Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ những hoạt động đã triển khai trong giai đoạn 1, GOPA II mang một nét mới, cụ thể là hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ (NGO) dựa trên cơ chế viện trợ gồm Qũy viện trợ và chương trình Nâng cao năng lực, Quỹ Hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình (PARAFF). Chương trình giúp các tổ chức phi chính phủ đóng góp các đầu vào có chất lượng, có minh chứng và tham gia đối thoại với các cơ quan chính phủ cũng như Quốc hội để qua đó thúc đẩy sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng luật và chính sách. GOPA II được triển khai từ năm 2012 đến năm 2016 với ngân sách là 60 triệu Kuron Đan Mạch. Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) đồng tài trợ PARAFF với số tiền gần 900.000 bảng Anh.

Cải cách luật pháp và Tư pháp


Đan Mạch là một trong những nhà tài trợ đầu tiên đã hỗ trợ cải cách luật pháp và tư pháp từ năm 1997. Việc hỗ trợ ban đầu cho Văn phòng Quốc hội , Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao được tiến hành thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). 3 dự án này đại diện cho sự trợ giúp kỹ thuật đầu tiên và quan trọng nhất để xây dựng luật pháp của Việt Nam, đặc biệt của Tòa án và Viện Kiểm sát kể từ khi các cơ quan này nhận được sự hỗ trợ về mặt luật pháp của khối xã hội chủ nghĩa từ những năm 1960. Riêng biệt nhưng có liên kết mật thiết, ba dự án này đã được thực hiện cùng với sự tham gia của các cơ quan cao nhất Việt Nam trên lĩnh vực lập pháp, tư pháp và hành pháp trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến năm 2000. Sự hỗ trợ này được tiếp tục ở giai đoạn hai dưới hình thức chương trình hợp tác song phương với cùng các cơ quan nói trên từ năm 2001; giai đoạn ba với tên gọi Chương trình Hỗ trợ cải cách Pháp luật và Tư pháp (JOPSO) kéo dài từ năm 2005 đến năm 2009 với Thụy Điển và Liên minh Châu Âu là các nhà đồng tài trợ. Ngân sách cho Chương trình JOPSO là 45,5 triệu Kuron Đan Mạch. Năm 2010, 3 nhà tài trợ này đã cùng khởi xướng Chương trình Đối tác Tư pháp (JPP) (2010-2015). Chương trình có ngân sách là 18,7 triệu Euro (Đan Mạch hỗ trợ 78,7 triệu Kuron) và trở thành chương trình lớn nhất cho lĩnh vực này tại Việt Nam. Chương trình Đối tác Tư pháp (JPP) được xây dựng phù hợp với Chiến lược Cải cách Tư pháp Quốc gia (2005) và hướng theo mục tiêu “xây dựng một nền tư pháp trong sạch, dân chủ và bảo vệ công lý”.

Từ năm 2006 đến năm 2014, Đan Mạch đã hỗ trợ tăng cường hệ thống thanh tra tại Việt Nam thông qua “Chương trình Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra (POSCIS)”. Thụy Điển, Hà Lan và Canada đồng tài trợ chương trình này; Na Uy cũng đóng góp vào giai đoạn đầu của chương trình. Chương trình nhằm mục tiêu xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện thành công các nhiệm vụ trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Tổng số vốn đóng góp của Đan Mạch là khoảng 14 triệu Kuron.

 

LIÊN HỆ

Cô Chu Thị Trung Hậu
Cán bộ quản lý Chương trình
Email: [email protected]