HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN ( DANIDA)

Phần này cung cấp thông tin về hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đan Mạch.

Kể từ năm 1993 khi được lựa chọn là quốc gia đối tác cho chương trình hợp tác phát triển của Đan Mạch, Việt Nam là nước nhận được viện trợ phát triển nhiều nhất từ Đan Mạch. Phần lớn các khoản viện trợ là dành cho các hoạt động liên quan đến xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là trong các lĩnh vực thủy sản, nước sạch, vệ sinh, nông nghiệp và môi trường. Ngoài ra, một lĩnh vực ưu tiên viện trợ quan trọng là quản trị nhà nước, bao gồm cải cách kinh tế, hành chính và tư pháp cũng như các hoạt động phòng, chống tham nhũng.
Viện trợ phát triển dành cho Việt Nam tính đến năm 2015 chủ yếu tập trung vào:

  1.  Tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tăng trưởng xanh và theo hướng có trách nhiệm với xã hội. Hỗ trợ các chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu và hiệu quả năng lượng, hỗ trợ nghiên cứu trong lĩnh vực khí hậu và quản trị kinh doanh, hỗ trợ sự tăng trưởng theo hướng tập trung vào xuất khẩu và có trách nhiệm với xã hội trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những khu vực khó khăn nhất.
  2. Những thành tựu đạt được đối với Mục tiêu năm 2015: Hỗ trợ các chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường, tập trung vào các khu vực khó khăn nhất và các bộ phận dân số dễ bị tổn thương nhất.
  3. Quản trị nhà nước: Xây dựng năng lực và cải cách khu vực công, quản lý tài chính công, ngành tư pháp và Quốc hội. Tập trung phát triển năng lực xã hội dân sự và đấu tranh chống tham nhũng.
  4. Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa: Các chương trình hợp tác trong lĩnh vực văn hóa hướng đến tăng cường khả năng tiếp cận và sự tham gia của Việt Nam trong nhiều khía cạnh văn hóa và nghệ thuật, từ đó thúc đẩy hơn nữa dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Chương trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đan Mạch trong đó Việt Nam là quốc gia ưu tiên đã kết thúc trong năm 2015. Hợp tác phát triển sẽ được thay thế bằng hợp tác chiến lược mà trọng tâm là tăng trưởng bền vững. Việt Nam vẫn đủ điều kiện để nhận được hỗ trợ phát triển của Đan Mạch, chẳng hạn như thông qua những công cụ kinh doanh nhất định, hợp tác trong các ngành chiến lược, các hoạt động hướng mục tiêu trong lĩnh vực nhân quyền và biến đổi khí hậu.